Các chấn thương thường gặp trong thể thao và những điều cần biết.

Trong cuộc sống hiện đại, đi đôi với đời sống được nâng cao thì các hoạt động thể thao ngày càng được chú ý và phát triển mạnh. Mặc dù rèn luyện thể thao mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe, giải trí về mặt tinh thần, giao lưu văn hóa…Tuy nhiên, việc tập luyện thể thao quá mức, sai phương pháp, thiếu an toàn có thể dẫn đến các chấn thương ngoài ý muốn, đôi khi trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số hiểu biết về các chấn thương thường gặp khi tập luyện thể thao và những điều cần làm khi gặp phải.

Chấn thương thể thao là gì ?

Là các chấn thương xảy ra trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao, làm ảnh hưởng hoặc mất khả năng vận động của người tập luyện. Dựa vào thời gian xuất hiện, các chấn thương thể thao được chia thành hai nhóm: chấn thương cấp tính và chấn thương do quá tải.

Các chấn thương cấp tính

  • Căng cơ (strain): là tình trạng căng giãn, rách hoặc đứt hoàn toàn của gân, cơ. Chấn thương thường xảy ra sau một hoạt động cơ quá sức hoặc bất thường. Các triệu chứng bao gồm: đau, sưng, yếu cơ. Ở mức độ nhẹ, tổn thương có thể tự phục hồi sau 5-10 ngày nếu nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép cố định… Ở mức độ nặng hơn như rách hoặc đứt gân cơ có thể làm mất chức năng vận động, cần can thiệp chuyên sâu bởi bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình hoặc Y học Thể Thao.
  • Bong gân (sprain): là sự rách hoặc đứt hoàn toàn của dây chằng (là cấu trúc chính giữ vững khớp). Các triệu chứng của bong gân: đau cấp tính, đôi khi có cảm giác trật khớp, giảm hoặc mất vận động vùng chấn thương, kèm sưng bầm, tụ máu tại vị trí dây chằng bị tổn thương. Ở chấn thương nghiêm trọng, đứt dây chằng dẫn đến lỏng lẻo khớp, lâu dài dẫn đến thoái hóa khớp, tổn thương thứ phát các dây chằng khác xung quanh (như trường hợp tổn thương dây chằng chéo khớp gối). Các xét nghiệm đặc hiệu như siêu âm, MRI sẽ giúp chẩn đoán.
  • Dập cơ (Bruise): là sự chảy máu trong bó cơ gây ra bởi một va đập trực tiếp. Tổn thương dập cơ sẽ gây tình trạng đau đớn khi co cơ bị dập, mất chức năng vận động cơ. Nếu tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến hội chứng vùi lấp ảnh hưởng tính mạng, hoặc khối máu tụ lớn gây chèn ép khoang buộc phải can thiệp phẫu thuật.
  • Trật khớp (dislocation): là sự di lệch hoàn toàn hoặc không hoàn toàn  giữa các mặt khớp với nhau hoặc của đầu xương ra khỏi ổ khớp. Trật khớp gây đau dữ dội, mất chứng năng vận động, biến dạng khớp. Đối với trật khớp không tự nắn lại được, bệnh nhân cần lập tức đến cơ sở y tế tránh biến chứng tổn thương thần kinh, mạch máu không hồi phục do chèn ép quá lâu.Đối với trật khớp tự nắn được, đặc biệt các trường hợp trật khớp tái hồi, ngoài điều trị cơ bản bệnh nhân cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra các biến chứng tại khớp.
  • Gãy xương (fracture): là sự mất liên tục cấu trúc xương do lực tác động mạnh từ bên ngoài, có thể là nứt, gãy đơn giản hoặc gãy nát phức tạp. Nếu ổ gãy thông ra ngoài da gọi là gãy hở, ngược lại là gãy kín. Các dấu hiệu gãy xương gồm: âm thanh lạo xạo dưới da, vết thương bị bầm tím, sưng đỏ, biến dạng, đau, mất vận động hoặc có cử động bất thường nơi gãy, khi chạm vào sẽ có điểm đau chói. Với những chấn thương nghiêm trọng, xương gãy có thể cắt đứt thần kinh, cơ và mạch máu lân cận, dẫn tới những biến chứng nặng như xuất huyết, hội chứng chèn ép khoang, liệt… Chấn thương gãy xương luôn cần được kiểm tra kỹ lưỡng bởi bác sĩ có chuyên môn.
  • Hội chứng chèn ép khoang cấp tính: tuy ít gặp nhưng là một cấp cứu ngoại khoa, là biến chứng nặng của chấn thương gãy xương, dập cơ. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử chi do thiếu máu.

Các chấn thương do quá tải

Là chấn thương hệ cơ xương khớp do tích tụ lâu dần các vi chấn thương gây ra bởi các vận động quá tải lặp đi lặp lại. Chấn thương này có thể gặp ở bất cứ ai, nhưng rất thường gặp ở các vận động viên có chương trình tập luyện không phù hợp.

  • Viêm gân: có nhiều nguyên nhân, hay gặp nhất do gân bị kéo dãn quá mức khi chưa khởi động kỹ, đặc biệt ở người có gân nhỏ, yếu. Các vị trí thường gặp là: gân gót (gân Achilles), cân gan chân, gân chóp xoay vai, gân nhị đầu cánh tay, và gân bánh chè.
  • Viêm dây thần kinh: là khi dây thần kinh bị viêm hoặc kích ứng do kéo dãn hoặc cọ xát vào cấu trúc cơ xương khớp lân cận thường xuyên. Biểu hiện tê bì, đau vùng, nhức mỏi… trường hợp nặng có thể yếu liệt.
  • Dập rách sụn: Tổn thương sụn do va đập hoặc ma sát lâu ngày, gây tổn thương sụn khớp, hay sụn chêm (khớp gối), dẫn tới khớp không hoạt động trơn tru, gây đau khi vận động. Trường hợp sụn chêm rách nhiều, mảng sụn trôi nổi có thể gây kẹt khớp gối.
  • Viêm túi hoạt dịch: do túi hoạt dịch bị ma sát bởi hoạt động của các gân cơ gần kề. Khi bị kích ứng túi hoạt dịch sẽ tăng tiết và phồng lên, biểu hiện viêm sưng, nóng, đỏ, đau rõ ở nơi viêm. Các túi hoạt dịch ở gối, khuỷu (vd: tennis’s elbow) và vai thường bị ảnh hưởng.
  • Ngoài ra còn các tình trạng hiếm gặp hơn như viêm sụn xương bóc tách, gãy xương mệt, hội chứng chèn ép khoang do quá tải

Cần làm gì khi gặp phải chấn thương thể thao ?

Chấn thương phần mềm cấp tính khi chơi thể thao cần được sơ cứu càng sớm càng tốt trong 72h đầu với phương pháp R.I.C.E. Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến bởi các bác sĩ và vận động viên trên khắp thế giới, RICE là viết tắt đầu của bốn từ:

  • R – Rest (Nghỉ ngơi): tránh các động tác gây đau hoặc chịu lực nơi tổn thương.
  • I – Ice (Chườm lạnh): chườm vùng đau bằng túi chườm lạnh chuyên dụng hoặc chai nước lạnh không quá 15 phút, có thể lặp lại sau mỗi 3-5 tiếng. Nếu phải dùng nước đá, bọc nước đá trong khăn để tránh gây phỏng lạnh.
  • C – Compress (Băng ép): dùng các băng nẹp thông dụng trên thị trường hoặc tốt nhất nên được thực hiện bởi người có kỹ năng băng bó, sơ cứu.
  • E – Elevate (kê cao): kê cao phần chi bị thương cũng có tác dụng trong việc giảm sưng, đau và viêm do tăng hồi lưu máu tĩnh mạch. Ví dụ khi kê cao chi dưới cần đảm bảo độ cao cao hơn phần chậu hông.

Đồng thời bệnh nhân cần được sớm thăm khám bởi bác sĩ chuyên về cơ xương khớp để đánh giá độ năng của chấn thương và có xử trí phù hợp.

Đối với chấn thương gãy xương, cần lập tức nẹp cố định ổ gãy bởi người có kỹ năng, mau chóng di chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Chú ý giữ yên chi gãy tránh dòng sóc trong lúc di chuyển, vì thế gãy xương vùng thân dưới tốt nhất nên đợi xe cấp cứu chuyên dụng.

Các chấn thương quá tải mạn tính cần được kiểm tra bởi chuyên gia và thực hiện các cận lâm sàng chuyên sâu như CTscan, MRI, đo điện cơ kim, xét nghiệm….

Sau khi thăm khám và đánh giá, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để điều trị chấn thương. Các biện pháp có thể được áp dụng gồm:

  • Cố định vết thương bằng nẹp hoặc bó bột
  • Giảm đau đường uống hoặc tiêm
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật
  • Thảo luận chương trình tập luyện cá nhân

Trên đây là những hiểu biết cơ bản mà mỗi vận động viên dù ở bất kỳ cấp độ nào cần phải biết. Mong rằng chúng tôi đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích, xin cảm ơn.

Đơn vị Y học Thể thao – Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng 1A Lý Thường Kiệt

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on print