Bệnh viêm quanh khớp vai ở người cao tuổi

Đau vai

Bệnh viêm quanh khớp vai là gì?

Bệnh viêm khớp quanh vai thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh viêm, đau khớp vai do tổn thương phần mềm (gân cơ, dây chằng, bao hoạt dịch, bao khớp) mà không có tổn thương ở sụn và xương khớp vai, không do nhiễm khuẩn. Đặc trưng lâm sàng là đau ở vùng vai và hạn chế vận động của khớp vai.

Khớp vai là khớp giữa xương cánh tay và xương bả vai. Nhờ có khớp này mà cánh tay của ta có thể đưa ra trước mặt, đưa ra sau lưng, giơ lên quá đầu và xoay tay ngang ra. Bệnh viêm quanh khớp vai là một bệnh gây đau ở vùng vai và hạn chế vận động của khớp vai. Bệnh tương đối phổ biến ở người trên 40 tuổi, chiếm tỉ lệ khoảng 3-5% số người ở độ tuổi này.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm quanh khớp vai có thể do:

  • Thoái hóa và viêm gân cơ chóp xoay ở các mức độ khác nhau: Nhẹ là thoái hóa, trung bình là viêm hoại tử có hoặc không có lắng đọng calci, nặng là rách đứt không hoàn toàn hoặc rách đứt hoàn toàn gân cơ chóp xoay
  • Viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai
  • Viêm túi hoạt dịch gân cơ nhị đầu
  • Viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay
  • Viêm dính bao khớp ổ chảo-cánh tay (đông cứng khớp vai)
  • Loạn dưỡng do phản xạ thần kinh giao cảm (hội chứng vai-tay).

Làm sao để nhận biết?

Bình thường, ta có thể đưa tay ra trước, ra sau, lên cao và xoay ngang tay ra, mà không đau hay cản trở gì. Bị bệnh viêm quanh khớp vai sẽ tiến triển trong 1 – 3 năm. Những người mà nghề nghiệp phải sử dụng khớp vai quá mức, hay bị các chấn động vào vùng vai và người trên 40 tuổi thì dễ bị viêm quanh khớp vai hơn.

Người ta cũng thấy, nếu bị liệt nửa người do đột quỵ (tai biến mạch máu não) hoặc bị tiểu đường, thì cũng dễ bị viêm quanh khớp vai hơn. Phụ nữ dễ bị hơn nam giới. Viêm quanh khớp vai tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó, hội chứng vai-tay nếu không được điều trị có thể dẫn đến mất chức năng tay và tay bị bệnh trở thành tàn phế. Khi nghi mình bị viêm quanh khớp vai, không nên tự chữa bệnh, cũng không nên bó cứng vai bằng các loại thuốc, dù là thuốc Nam vì sẽ làm tăng nguy cơ bị dính cứng khớp.

Tốt nhất nên tới khám các bác sĩ chuyên khoa xương khớp hoặc chuyên khoa vật lý trị liệu. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ làm các xét nghiệm cần thiết để xác định đúng bệnh và tìm phương pháp tối ưu cho từng người bệnh.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on print