Chấn thương thể thao xảy ra như thế nào?

Sport Medicine Team – BS. Hoàng Trí Phương

Chấn thương thể thao luôn là một mối quan tâm hàng đầu đối với y học nói chung và y học thể thao nói riêng, vì vậy đã có rất nhiều bài viết, sơ đồ, hình minh họa nhằm khái quát hóa cơ chế chấn thương chung của các tác giả ở khắp nơi trên thế giới. Ở bài viết này, chúng ta sẽ lược qua các sự kiện mang tính lịch sử, những thay đổi theo dòng thời gian và cuối cùng đến với sơ đồ được đội ngũ y tế của tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới Barcelona sử dụng trong thực tế và giảng dạy.

1: Sơ đồ tổng quan về cơ chế chấn thương của Meeuwisse năm 1994

Đây là sơ đồ đầu tiên khái quát hóa về cơ chế chung của chấn thương thể thao, được phát triển bởi Meeuwisse vào năm 1994. Ở sơ đồ này tác giả đã phân thành hai nhóm yếu tố nguy cơ chính là yếu tố nội tại và yếu tố ngoại lai, vận động viên khi tiếp xúc qua cả hai nhóm yếu tố này cùng với sự xúc tác của các sự kiện thúc đẩy sẽ dẫn đến chấn thương. Lúc này, tác giả chỉ gói gọn các yếu tố nguy cơ nội tại ở bốn nội dung: tuổi tác, độ linh hoạt, tiền căn chấn thương và tạng người. Ở dưới cùng, chúng ta có thể thấy được thanh phân loại mức độ liên quan mật thiết với chấn thương, càng ở xa về đầu bên trái, mật độ liên quan mật thiết giảm dần.

2: Sơ đồ cơ chế chấn thương của Bahr và các cộng sự năm 2005

Sơ đồ này, về cơ bản có cùng một tiến trình so với sơ đồ đầu tiên, tuy nhiên Bahr và các cộng sự đã có vài phần cải biên từ sơ đồ đầu tiên của Meeuwisse. Những yếu tố nội tại đã được mở rộng ra, bao gồm kĩ năng của người tham gia thể thao, hay mức độ thể chất. Tương tự, phần yếu tố ngoại lai được minh họa rõ ràng hơn với các ví dụ, như trong các yếu tố thuộc về môi trường sẽ bao gồm các vấn đề về thời tiết, loại sàn thi đấu, tình trạng bảo trì sân bãi v.v.. Đối với các sự kiện thúc đẩy, nhóm tác giả cũng thêm vào nhiều chi tiết như tình huống trên sân, lối chơi của bản thân/đối thủ.
Những cải biên ở sơ đồ này chủ yếu mở rộng, bổ sung thêm cho các thành phần sẵn có.

3: Sơ đồ chấn thương mang tính động – lặp lại của Meeuwisse và các cộng sự năm 2007

Ngoài những nét tương đồng đã thấy ở các sơ đồ trước như yếu tố nội tại, yếu tố ngoại lai, các sự kiện thúc đẩy, có hai điểm khác biệt lớn cần được quan tâm ở sơ đồ này.
Điểm đầu tiên, kể cả khi vận động viên tiếp xúc với tất cả yếu tố nội tại, yếu tố ngoại lai và các sự kiện thúc đẩy, cũng không đồng nghĩa người tham gia thi đấu chắc chắn sẽ bị chấn thương.
Điểm thứ hai, sau khi vận động viên bị chấn thương, mọi việc không chấm dứt ở đó. Trong các trường hợp điển hình, người chơi thể thao sẽ hồi phục, thích nghi với tình trạng mới của mình và tái tham gia lại các hoạt động thể thao – tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ mới. Điều này hình thành lên tính chất của sơ đồ: động – lặp lại. Động tượng trưng cho việc thay đổi theo thời gian và các sự kiện tiếp tục diễn ra trong vòng lặp. Chỉ trong trường hợp chấn thương quá nặng, không thể hồi phục được, buộc phải rút lui khỏi việc tham gia thể thao, vòng lặp mới chấm dứt. Các sơ đồ trên ít nhiều đều đã giúp hiểu hơn về cơ chế chấn thương, tuy nhiên có một khía cạnh đã bị bỏ sót đó là “tải lượng”. Điều này đưa chúng ta đến với sơ đồ cuối cùng, hiện nay đang được câu lạc bộ bóng đá Barcelona sử dụng hiện nay trong thực tế và giảng dạy.

4: Sơ đồ cơ chế chấn thương – tải lượng của Windt và Gabbett năm 2016

Ở phía bên trái của sơ đồ, các yếu tố nguy cơ nội tại bắt đầu với thành tố “tiền căn chấn thương” đứng một mình, khi ta biết rằng đây là một thành tố quan trọng trong việc tái phát chấn thương và phần còn lại đã được chia nhỏ ra thành các yếu tố có thể thay đổi được (sức mạnh, khả năng kiểm soát thần kinh cơ, mức độ hồi phục của mô) và các yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, giải phẫu).
Tương tự như các sơ đồ trước, chúng ta cũng có các thành tố khác như yếu tố ngoại lai, các sự kiện thúc đẩy và vòng lặp mang tính động. Một điểm khác biệt cần được nhấn mạnh ở đây là sự tham gia của thành tố “tải lượng”. Tải lượng sẽ bao gồm cả lượng tập luyện trong quá trình quá trình chuẩn bị trước khi thi đấu và lượng đến từ quá trình thi đấu thực tế. Tải lượng sẽ đưa đến hai đáp ứng: hiệu ứng tiêu cực – tình trạng thể chất tốt hoặc hiệu ứng tiêu cực – tình trạng mệt mỏi. Ví dụ, khi tập luyện cường độ quá mức, có thể dẫn đến sự mệt mỏi, căng thẳng hoặc tệ hơn là chấn thương. Tuy nhiên khi chương trình tập luyện được thiết kế hợp lí, có thể giúp cho vận động viên có được tình trạng thể chất tốt, đạt được hiệu quả cao trong thi đấu. Cả hai hiệu ứng này như hai cán cân trên cùng một bàn cân, có thể tác động lẫn nhau và hiệu ứng nào trội hơn sẽ tác động vào các yếu tố có thể thay đổi thuộc yếu tố nguy cơ nội tại.

Qua sơ đồ này, chúng ta đã có được góc nhìn tổng quan về chấn thương trong thể thao, hiểu được những yếu tố nào có thể dẫn đến chấn thương và từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu suất tập luyện thi đấu mà vẫn đảm bảo được việc giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Barcainnovationhub: Professional Diploma Team Sports Physician – A Best Practice Approach to Workload Monitoring.
  2. Meeuwisse, W. H. (1994). Assessing causation in sport injury: a multifactorial model. Clinical Journal of Sports Medicine (4), 166-170.
  3. Bahr, R., & Krosshaug, T. (2005). Understanding injury mechanisms: a key component of preventing injuries in sport. British Journal of Sports Medicine (39), 324-329. doi: 10.1136/bjsm.2005.018341.
  4. Meeuwisse, W.H., Tyreman, H., Hagel, B., & Emery, C. (2007). A dynamic model of etiology in sport injury: the recursive nature of risk and causation. Clinical Journal of Sports Medicine, 17(3), 215-219. doi: 10.1097/JSM.0b013e3180592a48.
  5. Windt, J., & Gabbett T. J. (2016). How do training and competition workloads relate to injury? The workload-injury aetiology model. British Journal of Sports Medicine, 51(5), 428-435. doi: 10.1136/bjsports-2016-096653.
Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on print