Gãy xương do mỏi ở vận động viên

Gãy xương do mỏi – stress fracture nằm trong danh sách những chấn thương do quá tải thường gặp ở vận động viên. Hiện Việt Nam vẫn chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo một nghiên cứu năm 2011 khảo sát các cầu thủ ở giải UEFA, gãy mỏi chiếm 0.5% tổng số chấn thương ở cầu thủ chuyên nghiệp nam và 13.6% ở các đồng nghiệp nữ. Tỷ lệ này thoạt nhìn có vẻ không nhiều, nhưng với tần suất mỗi giây có hai chấn thương xảy ra như ở UEFA thì lượng bệnh nhân không hề bé chút nào. Hay theo một nghiên cứu khác quan sát 111 vận động viên điền kinh trong 12 tháng, tỷ lệ mắc phải gãy mỏi lên đến 21.1%, trung bình cứ 1000 giờ chạy sẽ có 0.7 chấn thương này xảy ra.

SƠ LƯỢC VỀ BỆNH LÝ GÃY XƯƠNG DO MỎI:

Gãy mỏi là sự mất liên tục của cấu trúc xương và bè xương, nhưng khác với gãy xương thông thường, gãy mỏi đặc trưng bởi sự gãy không hoàn toàn và đường gãy thường chỉ là rãnh nứt ở phần vỏ xương. Cơ chế bệnh sinh chính xác của gãy mỏi vẫn chưa được biết tường tận, có thể hiểu đơn giản như sự mất cân bằng giữa sức mạnh xương (bone resistance) và stress cơ học vượt ngưỡng đàn hồi xương (bone elasticity) lặp đi lặp lại liên tục. Dựa vào chất lượng xương và tải lực lên xương, gãy mỏi được chia làm hai nhóm:

1. Gãy mỏi thật sự: kết quả của tải lực quá mức trên xương bình thường.

2. Gãy mỏi bệnh lý: dù tải lực bình thường nhưng do xương yếu nên dễ gãy, như bệnh loãng xương hoặc ung thư xương.

Hình 1. Mất cân bằng giữa sức chịu của xương và lực tải lặp đi lặp lại gây nên gãy mỏi

Đại đa số gãy mỏi ở vận động viên là gãy mỏi thật sự, stress cơ học lặp đi lặp lại quá mức bởi các yếu tố của tập luyện như : lượng tập, cường độ, mặt sân hoặc thời gian phục hồi không đủ. Tuy nhiên hiện tượng ưu thế của gãy mỏi ở vận động viên nữ cho thấy gãy mỏi không hoàn toàn do các yếu tố bệnh lý hoặc cơ học mà còn phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ bên trong và bên ngoài khác của vận động viên.

Các yếu tố nguy cơ bên trong:

– Giới nữ: sụt giảm estrogen, tam chứng tiền mãn kinh ở vận động viên nữ (tụt năng lượng, mật độ xương thấp, rối loạn kinh nguyệt)

– Tuổi: tỷ lệ giảm dần sau 17 tuổi ở nam, và tăng dần sau khi bắt đầu hành kinh ở nữ.

– BMI <19, tức là thể trạng gầy.

– Ít hoạt động thể lực trước đó.

– Cấu trúc giải phẫu bất thường: lệch trục chi dưới, ngắn chi (chân cao chân thấp), bàn chân bẹt hoặc bàn chân vòm cao.

Các yếu tố nguy cơ bên ngoài:

– Thay đôi chương trình tập.

– Thay đổi giày hoặc giày không phù hợp.

– Lượng tập và cường độ tập lớn.

– Bề mặt tập luyện cứng.

– Chạy đường dài.

– Uống rượu, hút thuốc, thiếu vitamin D.

CHẨN ĐOÁN GÃY XƯƠNG DO MỎI:

Để chẩn đoán gãy mỏi bác sĩ sẽ cần một bệnh sử chi tiết và thăm khám có trọng tâm vào vấn đề mà vận động viên trình bày, tránh làm chậm trễ việc điều trị. Hầu hết bệnh nhân than phiền một cơn đau dai dẳng, khởi phát âm thầm, đau tăng khi chịu lực hoặc vận động lặp lại, giảm đau khi nghỉ ngơi, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp vận động viên không có triệu chứng. Người bệnh thường không có tiền sử chấn thương, vì vậy có thể cân nhắc chẩn đoán nếu có các yếu tố nguy cơ đã nêu. Khi thăm khám, bệnh nhân sẽ đau khi ấn hoặc gõ vào vùng gãy mỏi, có thể kèm theo sưng, ấm, đỏ.

Hình 2. Biểu hiện của gãy mỏi: đau khi ấn hoặc gõ vào nơi gãy.

Gãy xương do mỏi xác định bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. X-Quang là phương tiện đầu tay với độ chuyên biệt cao, giá thành rẻ nhưng độ nhạy thấp nên dễ bỏ sót chẩn đoán. Nếu không phát hiện được trên film X-Quang mà vẫn nghi ngờ nhiều có gãy mỏi, nên cân nhắc phương tiện hình ảnh học khác có độ nhạy cao như chụp cộng hưởng từ (MRI)xạ hình xương 3 pha.  MRI có độ đặc hiệu cao và ngày càng dễ tiếp cận nên được ưa dùng hơn.

Hình 3. Hình ảnh MRI xác định có gãy mỏi ở xương chày, thường gặp ở vận động viên marathon.

VỊ TRÍ GÃY XƯƠNG DO MỎI THƯỜNG GẶP:

Trừ một vài môn thể thao đặc thù có tần suất vị trí gãy mỏi riêng biệt như vận động viên môn boxing thường gãy ở cổ xương đốt bàn tay số V, còn lại hầu hết gãy mỏi xảy ra ở vùng xương thân dưới (gồm cột sống thắt lưng, xương chậu, xương chân). Trong bài này tôi xin chỉ nói về gãy xương do mỏi ở chi dưới. Về tổng thể, vị trí gãy mỏi được chia thành vùng gãy nguy cơ cao và vùng gãy nguy cơ thấp dựa vào tiên lượng điều trị.

Hình 4. Gãy xương do mỏi ở xương bàn chân V (mũi tên trắng), thường ở cầu thủ bóng đá.

Vùng gãy nguy cơ cao: xương bàn chân V (đặc biệt ở zone 2 nơi nối thân và hành xương), thân trước xương chày, cổ xương sên, cổ xương đùi, bánh chè, mắt cá trong, xương vừng của ngón chân cái và cổ các xương bàn II tới IV. Gãy mỏi ở các vị trí này dễ gặp phải các biến chứng như gãy di lệch, chậm hoặc không liền xương và thời gian điều trị thường kéo dài.

Vùng gãy nguy cơ thấp: bờ sau trong xương chày, thân xương đốt bàn, đầu dưới xương mác, cổ xương đùi trong khớp, thân xương đùi và xương gót. Gãy ở các vị trí này thường lành tốt nếu chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp.  

ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG DO MỎI:

Điều trị gãy mỏi phụ thuộc vào vị trí gãy, nhưng đa số trường hợp là điều trị bảo tồn với giảm lượng tập và mức độ vận động, hạn chế chịu lực, có hoặc không bất động vùng gãy. Kiểm soát đau bằng thuốc giảm đau đường uống, chườm lạnh, phục hồi chức năng phù hợp và có một chương trình tập luyện cá thể hóa cho vận động viên: tối thiểu các bài tập hiếu khí chịu lực mạnh (có động tác hai chân cùng lúc không chạm đất) mà vẫn duy trì độ dẻo dai và sức mạnh. Cần tránh dùng NSAIDs vì các nghiên cứu trên động vật cho thấy sự ảnh hướng không tốt cho lành xương.

Hình 5. Phẫu thuật xuyên đinh néo ép xương bàn chân V.

Ở BN gãy mỏi nguy cơ cao hoặc gãy di lệch, đặc biệt là vận động viên chuyên nghiệp, phẫu thuật cố định sớm nên được ưu tiên vì tỷ lệ điều trị bảo tồn thất bại cao, với nguy cơ không liền xương và khả năng gãy lại. Tuy nhiên điều trị bảo tồn vẫn là lựa chọn thực tế đối với các vận động viên không chuyên. Điều trị can thiệp sẽ sử dụng các dụng cụ cố định vị trí gãy mỏi như vít cố định nội tủy, néo ép bằng đinh và chỉ thép… và/hoặc ghép xương. Tùy vào vị trí gãy mà bác sĩ sẽ có chiến lược phẫu thuật tương ứng. 

KHI NÀO CÓ THỂ TRỞ LẠI THỂ THAO:

Quyết định trở lại thể thao phụ thuộc vào vị trí và kiểu gãy, trung bình sẽ mất từ 3 tới 5 tháng trước khi trở lại tập luyện. Tuy vậy nên có bằng chứng rõ ràng của lành xương cả trên thăm khám trực tiếp lẫn trên hình ảnh học trước khi vận động viên trở lại thi đấu hoàn toàn.

DỰ PHÒNG GÃY XƯƠNG DO MỎI Ở VẬN ĐỘNG VIÊN:

Nếu điều trị là vàng thì dự phòng là kim cương, ngăn ngừa để vận động viên không dính chấn thương vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu của thể thao. Kiểm soát tải lực lên xương bằng các bài tập đa dạng, chương trình tập có hệ thống đồng thời kiểm soát các yếu tố nguy cơ là cốt lõi của việc dự phòng gãy xương do mỏi. Các liên đoàn thể thao thế giới thường xây dựng sẵn chương trình tập luyện phòng ngừa chấn thương cho các vận động viên của mình, điển hình như FIFA 11+ trong môn bóng đá.

Trên đây là cái nhìn khái quát về bệnh lý gãy xương do mỏi ở vận động viên, mong là bài viết đã phần nào giúp bạn có góc nhìn thận trọng hơn với bệnh lý dễ bỏ sót này.

Bác sĩ Trần Đức Viễn Hội y học thể thao TP.HCM

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on print