Những điều bạn cần biết trước khi thay khớp gối nhân tạo

Thay khớp gối nhân tạo được đánh giá là phương pháp điều trị có hiệu quả cao để thay thế khớp gối bị hư hại, bị bào mòn bởi các bệnh về xương khớp gối thường gặp như viêm khớp hay thoái hóa khớp. Đây là một trong những phẫu thuật được thực hiện thường xuyên tại Bệnh viện 1A bởi các bác sỹ chuyên khoa nhiều năm kinh nghiệm. Rất nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp gối đã hết cảm giác đau đớn, lỏng khớp, sinh hoạt bình thường và thậm chí còn có thể chơi được các môn thể thao. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn : thay khớp gối nhân tạo là gì, khi nào cần thay khớp gối nhân tạo, cần chuẩn bị gì trước khi thay khớp nhân tạo, thay khớp gối nhân tạo như thế nào, sau khi mổ thay khớp gối bệnh nhân cần được điều trị những gì, và kết quả đáng mong đợi sau phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo tại Bệnh viện 1A?
1: Thay khớp gối nhân tạo là gì?
Thay khớp gối nhân tạo (Knee Replacement Surgery) là thay thế các phần bề mặt khớp gối bị hư hỏng bằng vật liệu nhân tạo sau khi cắt một phần xương ở lồi cầu xương đùi bên trên và mâm chày bên dưới, một số trường hợp tái tạo lại bề mặt khớp bánh chè – xương đùi, các cấu trúc giải phẫu khác của gối có thể vẫn được bảo toàn, ví dụ như bao khớp, dây chằng.
Thay khớp gối nhân tạo được xem như là biện pháp cuối cùng và là biện pháp mạnh nhất để điều trị bệnh lý khớp gối, đặc biệt là với những trường hợp thoái hóa khớp nặng. Phẫu thuật thay khớp gối giúp bệnh nhân giảm đau triệt để, nhanh chóng phục hồi vận động và trả lại khả năng sinh hoạt một cách toàn.
Thay khớp gối có thể thay toàn bộ khớp gối hoặc thay 1 phần khớp gối (phần bị hư hỏng).


Khớp gối bình thường
Khớp gối là một trong những khớp lớn nhất cơ thể. Nó giúp cho chúng ta có thể đi đứng, chạy nhảy và thực hiện hầu hết các động tác sinh hoạt hàng ngày. Mặt khớp chính là nơi tiếp xúc giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày. Ngoài ra còn có mặt khớp giữa xương bánh chè và xương đùi. Khớp gối có nhiều dây chằng và cơ bám xung quanh giúp tăng cường độ vững chắc của khớp gối. Bề mặt mỗi đầu xương của diện khớp được bao phủ một lớp sụn khớp rất trơn láng. Lớp sụn này có chức năng như một lớp đệm và giúp cho khớp gối cử động dễ dàng. Phần còn lại của bề mặt khớp gối có một lớp màng bao bọc gọi là màng hoạt dịch. Lớp màng này tiết ra chất dịch giúp bôi trơn khớp gối, làm giảm lực ma sát khi cử động. Nếu có chấn thương hoặc một bệnh lý nào đó xảy ra ở khớp gối (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,,… ), các cấu trúc này sẽ bị phá vỡ. Lúc này  mặt khớp không còn trơn láng nữa nên  người bệnh thường có cảm giác đau, yếu chân hoặc giảm chức năng khớp gối.

2: Khi nào cần thay khớp gối nhân tạo?
Thay khớp gối nhân tạo được chỉ định cho những khớp gối bị tổn thương sụn khớp nặng như: thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp, dính khớp, tổn thương sụn khớp sau chấn thương,…
Bệnh nhân có những biểu hiện sau nên thay khớp gối:
– Đau nhiều vùng khớp gối mà điều trị bằng thuốc không đáp ứng: đau khi đi đứng, đau cả những lúc nghỉ ngơi, đau khi đi cầu thang, đau khi ngồi xuống hoặc đứng lên.
– Khớp gối bị biến dạng:  vẹo vào trong hoặc vẹo ra ngoài, biến dạng co rút ( khớp không duỗi thẳng được )
– Thất bại sau khi tiêm thuốc corticoide hoặc các thuốc bôi trơn vào trong khớp gối
– Vận động khớp gối bị giới hạn rõ, có khi cứng khớp gối.
3: Chuẩn bị trước khi thay khớp gối nhân tạo
Phẫu thuật thay thế khớp gối là cuộc mổ lớn nên cần có sự chuẩn bị kỹ ở cả bản thân người bệnh, thân nhân và đội ngũ y bác sĩ. Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ gặp bác sĩ phẫu thuật của mình để thực hiện một số thủ tục cần thiết như:
a. Bác sĩ giải thích về ca phẫu thuật của người bệnh .
b. Bệnh nhân hoặc người nhà có thể ký vào mẫu chấp thuận phẫu thuật để bác sĩ thực hiện ca mổ.
c. Người bệnh được khám kiểm tra sức khỏe tổng quát và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để đảm bảo tình trạng sức khỏe tốt trước khi phẫu thuật.

  1. Trao đổi với bác sĩ nếu bản thân biết mình bị bị dị ứng với loại thuốc nào, với thức ăn nào hoặc băng vết thương, băng dính, thuốc gây mê…
  2. Kê khai với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng ( bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê đơn và các chất bổ sung khác…)
  3. Thông báo với bác sĩ nếu bản thân có tiền sử rối loạn đông máu hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc chống đông máu nào ( aspirin, các loại thuốc khác ảnh hưởng đến đông máu). Người bệnh có thể cần ngưng những loại thuốc này trước khi phẫu thuật.
  4. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn, uống tối thiểu trong 8 giờ trước khi phẫu thuật.
  5. Chuyên gia vật lý trị liệu trao đổi với bệnh nhân trước khi phẫu thuật về việc phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật.
  6. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cai thuốc lá (vì hút thuốc có thể làm ảnh hưởng đến thời gian hồi phục vết thương).
  7. Nếu cân nặng quá mức cho phép, người bệnh có thể được yêu cầu giảm cân để ca mổ thuận lợi nhất.

4. Thay khớp gối nhân tạo như thế nào?
– Gây mê/gây tê
Các phương pháp gây mê/gây tê thường gặp nhất là gây tê mê toàn thân (đưa người bệnh vào giấc ngủ) hoặc gây tê phong bế thần kinh vùng ở ngoài màng cứng hoặc tủy sống ( tê từ thắt lưng trở xuống nhưng người bệnh vẫn tỉnh táo). Với thông tin của người bệnh, đội ngũ gây mê/gây tê sẽ xác định loại gây mê/gây tê phù hợp nhất.
– Bác sĩ mổ rạch da mặt trước gối cần mổ, bộc lộ khớp gối của người bệnh, thấy rõ phần sụn bị hư hỏng. Dùng những dụng cụ chuyên biệt để định vị và cắt bỏ phần sụn khớp bị hư. đánh giá độ vững của khớp, trục cơ học của chân trước khi đặt khớp gối nhân tạo vào.
Thời gian phẫu thuật thay khớp gối kéo dài khoảng 2 giờ. Có thể phẫu thuật thay hai khớp gối cùng một lúc nếu trình trạng sức khỏe của người bệnh cho phép. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng hồi sức và nằm tại đây trong vài giờ để theo dõi tình trạng hồi phục sau gây mê. Sau đó, sẽ được chuyển đến phòng bệnh.

XQuang trước và sau mổ thay khớp gối toàn phần
(Thực hiện tại bệnh viện 1A)

5. Sau mổ thay khớp gối
– Ngay sau mổ,  người bệnh sẽ được điều trị giảm đau, kháng sinh, thuốc chống huyết khối, chăm sóc vết mổ và dinh dưỡng. Bác sĩ phục hồi chức năng sẽ thăm khám và hỗ trợ tập luyện.
– Thời gian nằm viện trong khoảng 5-8 ngày, cắt chỉ sau 10-14 ngày. Thông thường, trong vài tuần đầu sau mổ, người bệnh cần phải chống nạng hoặc khung hỗ trợ khi đi lại.
Người bệnh nên sắp xếp mọi thứ tại nhà riêng của mình trước khi xuất viện về nhà:
– Nên dành một phòng riêng ở tầng trệt tại nhà của mình , bởi vì người bệnh đi lên hoặc xuống cầu thang rất khó khăn.
– Nhà vệ sinh nên xây bồn cầu cao, để người bệnh ngồi xuống, đứng lên dễ dàng. Không được phép sử dụng bồn cầu ngồi xổm.
– Nên bố trí các thanh chắn trong nhà vệ sinh để người bệnh vịn tay vào đó mà ngồi xuống và đứng dậy dễ dàng.
– Thu dọn các dây điện hoặc tấm thảm dễ gây vấp ngã hoặc trơn trượt ở trong nhà.
6. Kết quả sau mổ tại bệnh viện 1A
Sau mổ thay khớp gối đa số người bệnh giảm triệu chứng đau rõ rệt. Tầm vận động của khớp gối được cải thiện rõ. Nếu như trước mổ khớp gối của người bệnh bị biến dạng vẹo trong hoặc vẹo ra ngoài thì sau mổ khớp gối đã được chỉnh thẳng trục gần đúng với trục bình thường. Người bệnh đi lại không còn cảm giác đau và cảm giác lỏng khớp gối như trước.
Sau mổ một tháng người bệnh có thể trở lại các sinh hoạt thường ngày như đi mua sắm, đi chợ, đi nhà thờ hoặc đi chùa…
Sau khi được hồi phục hoàn toàn người bệnh có thể tham gia các môn thể thao ít va chạm như đi bộ, bơi lội, đáng gofl, đạp xe. Tuy nhiên không nên tham gia các môn thể thao va chạm mạnh như chơi tennis, cầu lông.

Hình ảnh trước và sau mổ thay khớp gối tại BV 1A

Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi BS CKII Huỳnh Ngọc Phúc, Phó khoa Phẫu thuật Chỉnh hình, Bệnh viện 1A.

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on print