PHỤC HỒI CHỨC NĂNG RỐI LOẠN NUỐT

Rối loạn nuốt là gì?

Rối loạn nuốt hay khó nuốt là tình trạng người bệnh phải cố gắng và mất nhiều thời gian hơn so với người khỏe mạnh để đưa thức ăn, đồ uống từ miệng xuống dạ dày.

Hiện nay, tình trạng rối loạn nuốt rất thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân

Rối loạn nuốt là một quá trình phức tạp, gây ra do vấn đề của hệ thần kinh và hệ cơ. Các nguyên nhân gây rối loạn nuốt thường gặp như:

  • Đột quỵ
  • Bệnh Parkinson
  • Lão hóa
  • Chấn thương sọ não.
  • Chấn thương tuỷ sống.
  • Bại não
  • Sa sút trí tuệ
  • Các khối u hoặc sẹo mổ ở vùng miệng, họng, thực quản.

Triệu chứng của rối loạn nuốt

Triệu chứng của rối loạn nuốt khá đa dạng như:

  • Ho trong khi hay ngay sau khi ăn hoặc uống.
  • Hắng giọng liên tục sau khi ăn hoặc uống.
  • Thay đổi giọng nói sau khi ăn hoặc uống (giọng nói trở nên “ẩm ướt”) .
  • Có cảm giác ngẹn ở họng hay ở sau xương ức sau khi ăn hoặc uống.
  • Thời gian nhai và nuốt thức ăn lâu hơn đáng kể so với bình thường.
  • Thức ăn, nước uống trào ra khỏi miệng trong khi ăn uống.
  • Còn thức ăn ứ đọng trong khoang miệng sau khi ăn.
  • Khó thở sau khi ăn hoặc uống.

Hậu quả của rối loạn nuốt

Rối loạn nuốt có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Mất hứng thú, sợ cảm giác ăn uống
  • Thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng
  • Hít sặc, dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt là ở những người bệnh cao tuổi, do phản xạ ho kém nên có thể bị tình trạng “hít sặc thầm lặng”, nghĩa là không có biểu hiện gì rõ ràng và rất khó phát hiện cho đến khi đã có biến chứng xảy ra.

Các phương pháp điều trị rối loạn nuốt

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị rối loạn nuốt. Lựa chọn phương pháp nào để áp dụng là tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra rối loạn nuốt và kết quả đánh giá mức độ rối loạn nuốt của bệnh nhân.

Quản lý một người bệnh rối loạn nuốt thường bao gồm các phương pháp sau:

  • Xây dựng chế độ ăn thích hợp: lựa chọn kết cấu dạng đặc, lỏng hay rắn, tăng tiến theo từng mức độ rối loạn nuốt; đảm bảo cân đối chất dinh dưỡng, đủ năng lượng cho người bệnh
  • Hướng dẫn các tư thế khi ăn uống an toàn, như: gặp cằm ra trước khi nuốt ở tư thế đầu 30-45 độ, xoay mặt về bên liệt khi nuốt, nghiêng đầu sang bên lành, đảm bảo người bệnh ăn uống ở tư thế ngồi, không nằm ngay sau khi ăn.
  • Sử dụng các “chất làm đặc” đồ ăn, nước uống cho người bệnh
  • Đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho người bệnh sau khi ăn uống
  • Các bài tập mạnh các cơ nuốt, kích thích điện cơ nuốt.
  • Các bài tập giúp gia tăng nhận thức về cảm giác mặn, ngọt, nóng, lạnh… để kích thích phản xạ nuốt.
  • Trường hợp rối loạn nuốt nặng cần đặt ống thông mũi – dạ dày hoặc làm phẫu thuật mở thông dạ dày ra da để nuôi ăn

Như vậy, phát hiện sớm rối loạn nuốt và điều trị kịp thời giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng của rối loạn nuốt và việc ăn uống được sớm phục hồi, giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại cuộc sống sinh hoạt trước đây.

BSCKI. Nguyễn Thanh Xuân– Khoa PHCN, Bệnh viện 1A

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on print