Vì sao khám sức khỏe tổng quát định kỳ là rất quan trọng?
Muốn hiểu rõ tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ, chúng ta cần hiểu rõ về nội dung sâu của một chương trình khám sức khỏe định kỳ một cách rất khoa học nhưng cũng rất dễ hiểu thông qua các ví dụ cụ thể:
Khám sức khỏe định kỳ là bao gồm tầm soát những nhóm bệnh lý đã được các tổ chức y tế uy tín lớn trên thế giới chứng minh là “bệnh có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao trong cộng đồng”.
Nhóm bệnh mạn tính có nguyên nhân tử vong cao nhất trên toàn thế giới là: bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, xơ gan …. Các bệnh lý này đều có trong danh sách của một chương trình khám sức khỏe định kỳ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Có 463 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường trên toàn thế giới và 374 triệu người đang có nguy cơ cao phát triển sang đái tháo đường. Chính vì thế, đái tháo đường luôn có mặt trong danh sách các bệnh cần tầm soát trong khám sức khỏe định kỳ.
Hiệp hội đái tháo đường Quốc tế (IDF)
Khám sức khỏe định kỳ là phát hiện ra những “bệnh lý mang tính chất tiềm ẩn. “Tiềm ẩn” nghĩa là mầm móng bệnh lý có thể đã xuất hiện trong cơ thể nhưng không biểu hiện triệu chứng ra ngoài nên nếu không thực hiện kiểm tra bệnh lý đó một cách định kỳ thì người bệnh sẽ không biết mình mắc bệnh.
Ví dụ: Người bệnh bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy thận giai đoạn sớm, ung thư, viêm gan siêu vi B v…v… Thường ít khi có triệu chứng lúc mới mắc bệnh.
Khám sức khỏe định kỳ là chẩn đoán được những “bệnh lý thường gây biến chứng lâu dài và nguy hiểm”.
Ví dụ: Bệnh đái tháo đường thường gây biến chứng mù mắt, đoạn chi, suy thận mạn sau khi mắc bệnh 5 năm trở lên mà không được điều trị.
Khám sức khỏe định kỳ bao gồm những cận lâm sàng hiện đại mà có thể giúp “dễ dàng phát hiện ra bệnh từ giai đoạn rất sớm”.
Ví dụ:
– Bệnh ung thư có thể phát hiện từ giai đoạn rất sớm
– Bệnh sỏi thận có thể phát hiện ra từ lúc viên sỏi còn rất nhỏ
– Bệnh xơ gan có thể được phát hiện rất sớm từ lúc mới biến đổi về men gan và siêu âm đàn hồi gan.
Những bệnh lý có trong phần tầm soát của khám sức khỏe định kỳ là những “bệnh lý thường liên quan đến lối sống, nghề nghiệp”. Vì vậy, kiểm tra thường xuyên sự xuất hiện của những bệnh lý này giúp con người dừng ngay hoặc thay đổi nghề nghiệp, lối sống có hại kịp thời để ngăn bệnh tiến triển từ giai đoạn sớm.
Ví dụ:
Bệnh đái tháo đường thường liên quan đến chế độ ăn ngọt nhiều, ít vận động….
Bệnh ung thư phổi liên quan đến hút thuốc, làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn,…
Khám sức khỏe định kỳ giúp bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe bệnh nhân một cách rõ ràng nhất, từ đó tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa bệnh nhân và bác sĩ để bảo đảm bệnh nhân được quản lý sức khỏe toàn diện.
Vì sao khám sức khỏe tổng quát định kỳ là phục vụ cho cộng đồng
Những cận lâm sàng có trong bộ “xét nghiệm định kỳ được lựa chọn là đơn giản, dễ làm, ít xâm lấn, chi phí chấp nhận được”. Do dó, đại đa số người dân trong cộng đồng có thể sử dụng được dịch vụ xét nghiệm định kỳ một cách dễ dàng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mình. Đó chính là mục tiêu hướng tới cộng đồng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Ví dụ: Ban đầu khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ thường cho bệnh nhân làm các bước cơ bản như: thử máu, nước tiểu, siêu âm, X-quang phổi, đo điện tim. Đây là những cận lâm sàng đơn giản, dễ làm, ít xâm lấn, chi phí thấp. Sau đó, nếu bệnh nhân có những bất thường, bác sĩ mới lựa chọn bước tiếp theo có cần cho bệnh nhân làm thêm các cận lâm sàng phức tạp khác như: chụp CT-scan, chụp MRI,nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng v..v..
Khám sức khỏe định kỳ luôn bao gồm “kiểm tra về các bệnh truyền nhiễm”, có tính lây lan cao trong cộng đồng. Điều này góp phần giúp bệnh nhân tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cho những người xung quanh.
Ví dụ: viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, HIV, bệnh da liễu, bệnh lây truyền qua đường tình dục v..v..
Khám sức khỏe định kỳ luôn bao gồm “công tác truyền thông giáo dục sức khỏe” để cung cấp kiến thức về sức khỏe cho người dân trong cộng đồng. Các kiến thức bao gồm thay đổi lối sống, chế độ ăn có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường sống. Đây là yếu tố then chốt để cắt đứt mọi yếu tố nguy cơ gây bệnh. Đúng theo tiêu chí của y học hiện đại hiện nay trên thế giới là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Quan điểm không đúng về khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện được tất cả các bệnh lý của con người trong một lần khám?
Đây là quan điểm không đúng, bởi vì có những bệnh lý chỉ khi nào có đợt bệnh và có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ ràng thì mới chẩn đoán ra được.
Ví dụ:
– Bệnh nhân bị viêm màng não thì phải có đau đầu, sốt cao, ói, rối loạn tri giác v..v.. thì bác sĩ mới chẩn đoán ra được bệnh viêm màng não.
– Bệnh nhân bị đột quỵ thì phải có hôn mê, hay yếu liệt tay chân v..v.. thì tại thời điểm đó bác sĩ mới chẩn đoán ra được bệnh đột quỵ.
Kết quả khám sức khỏe định kỳ một lần là bình thường thì sức khỏe của mình mãi mãi là tốt?
Đây là cũng là quan điểm sai lầm, bởi vì cơ thể con người là một thực thể sống, nên luôn luôn thay đổi theo thời gian. Bệnh lý con người liên quan đến chế độ ăn, lối sống, đột biến gen mà những yếu tố này thì cũng luôn luôn thay đổi. Có thể 6 tháng trước con người không bị đái tháo đường nhưng 6 tháng sau bị đái tháo đường là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế, các bác sĩ khuyên người dân nên khám sức khỏe định kỳ (trung bình mỗi 6 tháng) là hoàn toàn hợp lý về mặt khoa học.
Khám sức khỏe định kỳ nên luôn chọn khám tại một cơ sở y tế lớn và có chuyên khoa sâu.
Điều này không hẳn là đúng, bởi vì bộ xét nghiệm định kỳ được lựa chọn là đơn giản, dễ làm, ít xâm lấn nên có thể thực hiện được tại bất kỳ cơ sở y tế đảm bảo có đủ nhân lực, phương tiện và được Bộ Y Tế cấp phép khám sức khỏe.
Khám sức khỏe định kỳ thì càng làm nhiều cận lâm sàng và làm càng nhiều lần thì càng chính xác và phát hiện được nhiều bệnh?
Điều này cũng không cần thiết, bởi vì làm tăng lãng phí nhưng không tăng về lợi ích, mà nhiều khi lại có hại.
Ví dụ: một người hoàn toàn khỏe mạnh, không có yếu tố nguy cơ ung thư nào, nhưng vì quá lo lắng cho sức khỏe nên khi khám định kỳ muốn thực hiện chụp CT-scan toàn thân để tầm soát ung thư. Điều này thì cũng nên hạn chế bởi thực hiện CT-scan nhiều lần làm tăng nguy cơ đột biến gen, đột biến gen lại chính tác nhân gây ra ung thư cho bệnh nhân.
Ví dụ: một người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng cứ lo lắng mình bị ung thư đường ruột nên cứ 3 tháng lại muốn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm cả nội soi đường ruột. Điều này sẽ không đúng và rất nguy hiểm, bởi vì nội soi đường ruột nhiều lần sẽ gây các biến chứng: chảy máu lúc nội soi, khả năng sốc thần kinh X lúc nội soi, rối loạn chức năng đường ruột mạn tính (do phải dùng thuốc xổ),… Trong khi đó, ung thư đường ruột cũng cần có một giai đoạn hình thành và phát triển chứ không thể tự nhiên trong một thời gian rất ngắn khối u có thể hình thành.
Khám sức khỏe định kỳ chỉ cần thiết áp dụng cho người già, là đối tượng thường hay có bệnh.
Đây cũng là một quan điểm chưa chính xác. Khám sức khỏe định kỳ có vai trò là phát hiện bệnh từ sớm, và ngăn chặn sự xuất hiện bệnh hay sự tiến triển nặng hơn của bệnh. Còn đến lúc chờ đến già, bệnh đã đến giai đoạn biểu hiện ra ngoài rồi thì đã muộn. Ngoài ra, nhóm tuổi trẻ cũng chính là nhóm tuổi thường có lối sống có hại cho sức khỏe do áp lực công việc, học hành. Do đó, khám sức khỏe định kỳ cần thiết cho tất cả các nhóm tuổi, nhưng tùy theo nhóm tuổi nào, bác sĩ sẽ điều chỉnh gói khám định kỳ phù hợp với nhóm tuổi đó.