Viêm xương chấn thương là gì?
Viêm xương chấn thương (VXCT) là nhiễm trùng xương do các vi trùng thường, không đặc hiệu, hậu quả của sự nhiễm trùng mô mềm xung quanh xâm nhập vào xương, có tính khu trú tại chỗ.
Sinh lý bệnh
VXCT gặp ở mọi lứa tuổi, bất kỳ xương nào, vị trí nào bị gãy, thường gặp sau gãy xương hở.
Diễn tiến: Gãy xương hở → Nhiễm trùng mô mềm → Nhiễm trùng xương cấp → Viêm xương mạn tính.
Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp
- Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)
- Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa)
- Liên cầu khuẩn (Streptococcus)
- Các vi khuẩn đường ruột : E.coli, Enterobacter, Proteus …
- Có thể có nhiều vi khuẩn trên một vết thương, kháng kháng sinh cao
Các yếu tố nguy cơ: - Vết thương giập nát, hoại tử, máu tụ
- Dị vật (ngoại lai, của cơ thể, dụng cụ y khoa)
- Sức đề kháng của cơ thể yếu
- Độc lực vi khuẩn mạnh
Giải phẫu bệnh lý
Giai đoạn cấp tính
Tổn thương mô mềm: Các mô mềm bị dập nát trong gãy hở hay do thao tác trong mổ cùng với máu tụ không được dẫn lưu tốt, cắt lọc vết thương không triệt để, còn dị vật là điều kiện làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ổ gãy. Mô mềm viêm tấy, phù nề nhiều.
Tổn thương xương: Các mảnh xương nhỏ, rời thiếu máu nuôi dưỡng đổi màu ngà, xơ chai trở thành xương chết.
Giai đoạn mãn tính
Tổn thương mô mềm bao gồm các lỗ dò ở ngoài da và các đường dò thông vào xương. Các đường dò có nhiều ngóc ngách chứa đầy mủ, chung quanh là các tổ chức xơ, các phần mềm hoại tử nhiễm trùng cần phải cắt lọc triệt để mới hết viêm xương.
Tổn thương xương: Điển hình là ở giữa có khối cal xương lớn do sự tạo xương mới có hốc chứa mủ. Ống tủy có nhiều mạch máu nên tạo xương mới bít dần lòng tủy. Các đầu xương xơ chai vô mạch dễ trở thành xương chết, nhiễm trùng kích thích tạo xương mới bao bọc xương chết hình thành xương tù. Vùng viêm xương đầy mô hoại tử, không có mạch máu, vùng xung quanh mạch máu nghèo nàn do đó kháng thể, bạch cầu, kháng sinh không thể tới được.
Phân loại
Theo thời gian
Cấp tính: trước 2 tháng
Mãn tính: sau 2 tháng
Theo giải phẫu bệnh (Weilland)
Độ 1: Nhiễm trùng mô mềm, chưa đến xương
Độ 2: Nhiễm trùng xương, xương hoại tử
Độ 3: Nhiễm trùng và mất xương
Các thể lâm sàng
Nhiễm trùng ổ gãy cấp tính
Viêm loét màng xương, loét sẹo xấu
Viêm dò mủ ổ gãy không có xương chết
Dò mủ mãn tính có xương chết – xương tù
Ung thư hóa
Chẩn đoán viêm xương chấn thương
Giai đoạn cấp tính
Lâm sàng
- Xuất hiện sau gãy xương hở, thủ thuật trên xương
- Sưng, nóng, đỏ, đau, tại vùng gãy xương
- Vết thương tiết dịch đục, có mủ
- Đau nhức tại chỗ, mất ngủ
- Sốt cao, sốt dao động
- Hạch vùng sưng to và đau
Cận lâm sàng
- Bạch cầu tăng, Neutrofil tăng, VS tăng
- Soi, cấy dịch vết thương có vi khuẩn
- Xquang: chưa thấy thay đổi cấu trúc trên phim, đôi khi có phản ứng màng xương
Giai đoạn mãn tính
Lâm sàng
Dò mủ kéo dài, đau nhức ít, không sốt hoặc sốt âm ỉ, sưng nề khu trú
Cận lâm sàng
Xquang: Có thể thấy xương chết, xương tù, phản ứng tạo xương ngoài màng xương. Chụp Xquang đường dò có cản quang: thấy được ngóc ngách của đường dò đi đến đâu.
Điều trị viêm xương chấn thương
Ngoại khoa
VXCT tùy theo giai đoạn và hình thái tổn thương mà có chiến lược điều trị khác nhau.
- Làm sạch ổ nhiễm trùng bằng cắt lọc lấy hết mô hoại tử, lỗ dò, xương chết, lấy bỏ hết các dị vật (dụng cụ kết xương không còn tác dụng cố định vững)
- Tưới rửa liên tục mỗi ngày nếu nhiều mủ, dẫn lưu tốt
- Cắt lọc lại nếu diễn tiến không khá hơn
- Bất động vững chắc ổ gãy (cố định ngoài, bột…)
- Không khâu kín vết thương, nhưng không để lộ xương, lấp đầy hốc, ổ khuyết.
Các kỹ thuật điều trị
- Nhuộm đường dò bằng xanh Methylène
- Nhuộm mô sống bằng xanh Disulphine
- Trám vạt da, cơ che lỗ hổng
- Ghép xương xốp kiểu Papinau
- Băng gạc tẩm dầu mù u kích thích mô hạt
- Kết hợp xương 2 ổ bằng cố định ngoài: Cắt đoạn xương viêm, thu ngắn, nén ép ổ gãy tạo liền xương kết hợp với kéo dài xương đoạn lành để cân bằng chiều dài chi.
Nội khoa
- Dùng kháng sinh sớm, phổ rộng, tốt nhất là theo KSĐ, sử dụng với liều cao và kéo dài (ít nhất 6 tuần).
- Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng
- Điều trị bệnh nội khoa kèm theo (nếu có)
Tiên lượng và dự hậu
Viêm xương cấp chuyển thành mãn tính
Chi thể bị rối loạn dinh dưỡng, mất chức năng, dễ gãy xương
Rất dễ tái phát, cơn cấp tính trên nền mãn tính
Gãy xương viêm hoặc khớp giả nhiễm trùng: điều trị rất khó khăn
Dự phòng
Xử trí gãy xương hở sớm, tích cực, có hiệu quả
Mổ sớm trước 6 giờ
Cắt lọc triệt để: lấy hết mô giập, máu tụ, dị vật
Để hở vết thương, khâu da thì hai sớm
Hạn chế kết hợp xương bên trong
Cho kháng sinh sớm, liều cao, phổ rộng
Phẫu thuật, thủ thuật trên xương phải thận trọng
Vô trùng tuyệt đối
Tránh làm giập nát mô mềm
Không phơi bày phẫu trường lâu
Khâu da không để máu tụ bên dưới
Kháng sinh dự phòng
Cắt lọc ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ
Không đắp thuốc, vật dơ lên vết thương
Không làm loét da trong khi điều trị